Lịch sử Hắc_Long_Giang

Văn minh thượng cổ

Tại khu vực Song Áp Sơn của tỉnh Hắc Long Giang, người ta đã phát hiện các dấu tích khảo cổ học về nền một văn minh từ 7.000 năm trước. Ban đầu, vùng Đông Bắc Trung Quốc ngày nay có ba dân tộc lớn là Túc Thận (肃慎), Uế Mạch (濊貊) và Đông Hồ (东胡). Vào thời kỳ nhà Thươngnhà Chu tại Trung Nguyên, cư dân tỉnh Hắc Long Giang là các bộ lạc Túc Thận, sinh sống bằng việc săn bắn, theo tư liệu lịch sử thì họ đã từng tiến cống cungtên cho Chu Thành Vương.

Uế Mạch là hợp xưng dùng để chỉ người Uế và người Mạch, họ có đặc điểm sinh sống bằng nông nghiệp, không giống với dân tộc du mục. Vào thời nhà Hạ và nhà Thương, người Uế cư trú tại bán đảo Sơn Đông, thuộc dân tộc Đông Di. Sau khi Chu diệt Thương, người Uế do bị triều Chu bức bách nên đại bộ phận đã di dời về phía đông bắc, lấy đồng bằng Tùng Nộn làm trung tâm định cư, song họ hoạt động trên một phạm vi rộng lớn, cực nam đến phía bắc của Trường Thành, liền kề với nước Yên, tiếp xúc với người Túc Thận ở phía đông của Liêu Hà. Thời kỳ Tây Chu, người Uế là một nước triều cống cho vương triều Chu. Thời kỳ Xuân Thu, Tề Hoàn công từng phát động chiến tranh với Uế. Thời Chiến Quốc, người Uế sống dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp, trở thành lương thực chủ yếu của người Uế. Người Uế đã tiến đến thời kỳ cuối của xã hội nguyên thủy, họ có lối sống định cư. Người Mạch là một dân tộc du mục trên thảo nguyên Mông Cổ, ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Altai.

Thời Tần, Hán, Tam Quốc

Thời Nhà TầnNhà Hán tại Trung Nguyên, người Túc Thận được gọi là "Ấp Lâu" (挹娄) và "Vật Cát" (勿吉). Tại Song Áp Sơn đã phát hiện được "quần thể di chỉ Pháo Đài Sơn" với Pháo Đài Sơn cổ thành (炮台山古城), được xác định là do tổ tiên của người Mãn là người Ấp Lâu xây dựng nên. Cùng với quần thể di chỉ Pháo Đài Sơn, di chỉ Phượng Lâm cổ thành (凤林古城遗址) được nhận định là đô thành của người Ấp Lâu trong thời kỳ lịch sử ban đầu của tỉnh Hắc Long Giang. Ngoài sinh sống bằng nông nghiệp, người Ấp Lâu còn săn dã thú, họ đã từng tiến cống thú vật săn được cho nước Tào Ngụy vào thời Tam Quốc. Trong thời kỳ này, cư dân trên địa bàn tại tỉnh Hắc Long ngày nay cũng bắt đầu thiết lập chế độ cai trị. Thời Tây Hán, nước Phù Dư được thành lập, một phần lãnh thổ của nước này nằm tại địa phận đông nam của tỉnh Hắc Long Giang ngày nay. Vào thời Nhà Hán, và Ngụy Tấn, Hắc Long Giang (sông Amur) được gọi là "Nhược Thủy" (弱水).

Lưỡng Tấn, Nam-Bắc triều

Các cuộc tấn công của Cao Câu Ly vào một khoảng thời gian nào đó trước năm 347 đã khiến Phù Dư suy yếu. Đến khi để mất thành trì ở gần Cáp Nhĩ Tân ngày nay, Phù Dư đã di chuyển về phía tây nam đến Nông An (nay thuộc tỉnh Cát Lâm). Song có lẽ một bộ phận người Phù Dư vẫn ở lại khu vực quanh Cáp Nhĩ Tân và nằm dưới tầm ảnh hưởng của Cao Câu Ly. Đến năm 494, người Phù Dư bị người Vật Cát tiêu diệt, Phù Dư biến mất khỏi vũ đài lịch sử; cùng với đó, người Uế Mạch cũng suy yếu. Các dân tộc Tungus (khi đó chủ yếu là người Vật Cát) nổi lên tại khu vực tỉnh Hắc Long Giang cũng như toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Dưới thời trị vì của Trường Thọ vương (413-491), Cao Câu Ly đã mở rộng cương vực ở phía bắc đến hữu ngạn của sông Tùng Hoa. Năm 491, Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế đã sách phong cho Trường Thọ vương của Cao Câu Ly các chức tước: Xa kị đại tướng quân, thái phó, Liêu Đông quận khai quốc công, Cao Câu Ly vương, phạm vi thế lực của Cao Câu Ly bao trùm khu vực nam bộ tỉnh Hắc Long Giang ngày nay. Thời Nam-Bắc triều, dân tộc chủ thể trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang được gọi là "Vật Cát". Cũng trong thời Nam-Bắc triều, Hắc Long Giang được gọi là "Hoàn Thủy" (完水), sông Tùng Hoa được gọi là "Nan Thủy" (难水).

Thời Tùy, Đường

Thời nhà Tùy, đông nam bộ lưu vực Hắc Long Giang là nơi sinh sống của các bộ lạc Mạt Hạt, còn tây bộ là nơi sinh sống của các bộ lạc Thất Vi. Cả người Mạt Hạt và người Thất Vi đều duy trì quan hệ triều cống với triều đình Tùy.

Thời Nhà Đường, một số văn hiến đã đề cập đến "Mạt Hạt" với nhiều bộ lạc, những người cư trú tại lưu vực Hắc Long Giang được gọi là "Hắc Thủy Mạt Hạt". Triều đình Nhà Đường từng thiết lập phủ, châu và phái quan lại đến quản lý tại lưu vực Hắc Long Giang. Năm Thánh Lịch thứ 1 (689) thời Võ Tắc Thiên trị vì, người Túc Mạt Mạt Mạt vốn cư trú tại lưu vực Mẫu Đơn Giang sau khi thống nhất các bộ lạc Mạt Hạt, đã kiến lập nước Chấn (震国), thần thuộc triều Đường.

Năm 722, tù trưởng Hắc Thủy Mạt Hạt là Nghê Thuộc Lợi Kê (倪属利稽) đã đến Trường An triều kiến hoàng đế Đường, được Đường Huyền Tông phong chức "Bột Lợi (Bá Lực) châu thứ sử" [勃利(伯力)州刺史]. Lưu vực Nộn Giang là nơi cư trú của người Thất Vi, khi đó khu vực này của tỉnh Hắc Long thuộc cương vực quản hạt trên danh nghĩa của U châu Nhà Đường.

Theo các phát hiện khảo cổ gần đây, trong thời kỳ này, tỉnh Hắc Long Giang còn xuất hiện một dân tộc di cư từ phương Bắc xuống, về sau biến mất một cách bí ẩn, không rõ là do bị tiêu diệt do chiến loạn hay lại tiếp tục di cư đến khu vực khác. Thời Tùy và Đường, hạ du Hắc Long Giang được gọi là Hắc Thủy (黑水), Hoàn Thủy được đổi thành Kiến Thủy (建水), Nan Thủy được đổi thành Na Hà (那河). Theo sử tịch Trung Quốc, Mạt Hạt có đất Quận Lợi Bộ (người Ni Phu Hách), triều đình đã thiết lập Hắc Thủy phủ để cai trị đất này. Về sau, khi Bột Hải hưng thịnh, đất này đã hàng phục Mạt Hạt.[4] Có người cho rằng người Ni Phu Hách chính là Lưu Quỷ Quốc (流鬼国) trên địa phận tỉnh Hắc Long Giang ngày nay.

Bột Hải và Đông Đan

Lãnh thổ vương quốc Bột Hải (Balhae) vào năm 830. Xung quanh là lãnh thổ của người Hắc Thủy Mạt Hạt (Heishui Mohe), Thất Vi (Shiwei), Khiết Đan (Khitan), Đường (Tang) và Tân La (Silla)

Sau khi Cao Câu Ly sụp đổ, vương quốc Bột Hải đã nổi lên, cương vực bao trùm một lãnh thổ rộng lớn tại Mãn Châu và vùng phía bắc sông Đại Đồng của bán đảo Triều Tiên. Quốc vương thứ ba của Bột Hải là Văn vương đã mở rộng cương vực của Bột Hải đến lưu vực Hắc Long Giang. Năm 756, trong thời gian trị vì của Văn vương, Bột Hải đã thiên đô đến thành Thượng Kinh tại khu vực gần hồ Kính BạcNinh An thuộc tỉnh Hắc Long Giang ngày nay. Trong các phủ của Vương quốc Bột Hải, các phủ có đất đai nằm trên địa phận tỉnh Hắc Long Giang ngày nay là Thượng Kinh Long Tuyền phủ (上京龙泉府), Thiết Lợi phủ (铁利府), Hoài Viễn phủ (怀远府) và Mạc Hiệt phủ (鄚頡府等). Đến thời gian trị vì của Tuyên vương, Bột Hải đã chinh phục được nhiều bộ lạc Mạt Hạt. Người Mạt Hạt ở trong tình trạng nô lệ và phải phục vụ cho giới cầm quyền Bột Hải có nguồn gốc từ Cao Câu Ly cũ.[5]. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người Mạt Hạt đã gia nhập vào tầng lớp thượng lưu Bột Hải song rất hiếm và họ chỉ được phong các tước vị "suryong", hay "tù trưởng", và chỉ đóng một vai trò nhất định trong tầng lớp cầm quyền. Một số sứ thần Bột Hải cũng mang họ Mạt Hạt.

Theo truyền thống, các sử gia tin rằng xung đột sắc tộc giữa những người gốc Cao Câu Ly nắm quyền lực và người Mạt Hạt đã làm suy yếu Bột Hải.[5] Song các nghiên cứu gần đây khẳng định sự sụp đổ của Bột Hải chủ yếu là do núi Trường Bạch đã phun trào một cách dữ đội vào thế kỷ thứ X, ngọn núi khi đó nằm ở trung tâm của vương quốc. Đến năm 926, Bột Hải bị người Khiết Đan tiêu diệt.

Khiết Đan sau đó đã lập nên vương quốc bù nhìn Đông Đan để kiểm soát địa hạt cũ của Bột Hải. Vua đầu tiên của Đông Đan là thái tử Da Luật Bội (耶律倍) của Khiết Đan, kinh đô của vương quốc này đặt tại đô thành Thượng Kinh của Bột Hải trước đó. Để tiếp tục quan hệ hữu nghị giữa Bột Hải và Nhật Bản, Đông Đan đã cử một đoàn sứ thần qua biển Nhật Bản vào năm 929. Triều đình Nhật Bản ở Kyoto đã từ chối phái đoàn của Đông Đan. Năm 931 và 935, Đông Đan hai lần cử sứ thần sang Đường. Đông Đan đã bị sáp nhập vào nhà Liêu năm 936.

Thời Liêu, Kim và Nguyên

Tỉnh Hắc Long Giang nằm dưới quyền cai quản của triều Liêu từ năm 936. Đến thế kỷ thứ X, người Nữ Chân nổi lên, bộ lạc Hoàn Nhan ở hạ du sông Tùng Hoa đã thống nhất các dân tộc trong khu vực. Sau những thắng lợi liên tiếp, tháng 1 năm 1115, Hoàn Nhan A Cốt Đả đã tuyên bố lên ngôi vua nước Kim, định đô ở Hội Ninh phủ (nay là A Thành của tỉnh Hắc Long Giang). Sau khi Kim nam hạ diệt Kim đánh Tống rồi thiên đô đến Trung Đô (nay là Bắc Kinh), triều đình Kim đã phế bỏ tên hiệu "Thượng Kinh" và đổi thành Hội Ninh phủ lộ. Vào năm Thiên Quyến thứ 1 (1138) thời Kim Hi Tông, triều đình Kim đã thiết lập Thượng Kinh lộ với trị sở tại Hội Ninh huyện của Hội Ninh phủ (nay thuộc A Thành). Địa hạt của Thượng Kinh lộ nói chung tương đương với toàn bộ tỉnh Hắc Long Giang, đại bộ phận các khu vực Trường Xuân, Cát Lâm, Diên Biên, Bạch Sơn và Tùng Nguyên của tỉnh Cát Lâm; ba tỉnh Hamgyong Bắc, Hamgyong NamRyanggang của Triều Tiên; cùng khu vực phía nam Ngoại Hưng An lĩnh của nước Nga ngày nay. Dưới thời Kim, toàn bộ lưu vực Hắc Long Giang nằm trong lãnh thổ của Kim, Hắc Long Giang trở thành nội hà của Kim.

Sau khi quân Mông Cổ diệt Kim và lập ra Nhà Nguyên, địa bàn tỉnh Hắc Long Giang thuộc Khai Nguyên lộ (开元路) của Liêu Dương đẳng xứ hành trung thư tỉnh (辽阳等处行中书省). Sau trung kì Nhà Nguyên, địa bàn tỉnh Hắc Long Giang ngày nay thuộc quyền quản lý của Khai Nguyên lộ và Thủy Đạt Đạt lộ (水达达路). Liêu sử được viết vào thời Nguyên là thư tịch lịch sử đầu tiên của Trung Quốc sử dụng tên gọi "Hắc Long Giang".

Thời Minh

Năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409) thời Minh Thành Tổ, triều đình Nhà Minh đã thiết lập một cơ cấu quân sự và chính quyền là Nô Nhi Can đô chỉ huy sứ ti (奴兒干都指揮使司) nhằm quản lý lưu vực Hắc Long Giang, Ô Tô Lý Giang, Tùng Hoa Giang và Nộn Giang. Đến năm Vĩnh Lạc thứ 9 (1411), cơ cấu này đã chính thức bắt đầu thực thi quyền quản lý hành chính. Các quan viên của đô ti ban đầu chủ yếu là các lưu quan được luân chuyển điều đến, về sau do các lãnh tụ bộ lạc trong khu vực thế tập. Đến năm Tuyên Đức thứ 9 (1434), đô ti chính thức bị bãi bỏ, tổng cộng tồn tại trong 25 năm. Sau đó, Nhà Minh vẫn duy trì quyền quản lý đối với khu vực. Đến cuối thời Minh, triều đình không còn khả năng vươn tầm quản lý đến khu vực tỉnh Hắc Long Giang ngày nay, tại đây, các bộ lạc Nữ Chân trở thành những thuộc quốc của triều đình Nhà Minh. Thời Minh, người Nữ Chân có ba bộ phận chính: Kiến Châu Nữ Chân, Hải Tây Nữ ChânDã Nhân Nữ Chân; trong đó, trên địa bàn Hắc Long Giang ngày nay có người Hải Tây Nữ Chân và Dã Nhân Nữ Chân.

Thời Thanh

Bản đồ hành chính Nhà Thanh năm 1820, địa bàn tỉnh Hắc Long Giang ngày nay khi đó phân thuộc Hắc Long Giang (黑龙江) tướng quân và Cát Lâm (吉林) tướng quân

Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích chiếm thành Đồ Luân, ông đã thừa cơ đánh chiếm các bộ lạc Kiên Châu Nữ Chân khác, Ni Kham Ngoại Lan cuối cùng chạy đến Ngạc Lặc Hồn (nay ở gần Tề Tề Cáp Nhĩ) để xin quân Minh bảo vệ. Tuy nhiên, khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích đuổi đến nơi, quân Minh sợ xảy ra chiến tranh nên đã để Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết chết Ni Kham Ngoại Lan. Sau đó, thanh thế của Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên cao, ông thống nhất toàn bộ Kiến Châu Nữ Chân, cuối cùng đã thống nhất toàn bộ người Nữ Chân. Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi hãn tại Hách Đồ A Lạp (nay thuộc Liêu Ninh), lập ra triều Hậu Kim. Các hậu duệ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đổi tên Hậu Kim thành Thanh và thống trị trên toàn cõi Trung Quốc.

Thời Thanh sơ, triều đình đã cấm chỉ người Hán đến vùng Mãn Châu, bao gồm cả địa phận tỉnh Hắc Long Giang ngày nay. Năm Thuận Trị thứ 4 (1647) thời Thanh Thế Tổ, triều đình Thanh đã thiết lập chức ngưu lục chương kinh (牛录章京) tại Ninh Cổ Tháp (宁古塔, nay thuộc Mẫu Đơn Giang), đến năm 1653 thì thiết lập ngang bang chương kinh (昂邦章京), đến năm 1662 thì thăng thành Ninh Cổ Tháp tướng quân trú tại địa phương. Năm Khang Hi thứ 22, triều Thanh đã thiết lập thể chế Hắc Long Giang tướng quân, lãnh thổ cắt từ phần tây bắc của Cát Lâm tướng quân.[6] Địa phận tỉnh Hắc Long Giang ngày nay phân thuộc Hắc Long Giang tướng quân ở phía tây và Cát Lâm tướng quân ở phía đông.

Trị sở ban đầu của Hắc Long Giang tướng quân là Hắc Long Giang thành (còn gọi là Ái Hồn hay Hắc Hà), nằm bên Hắc Long Giang. Tuy nhiên, ngay sau đó, vào năm 1690, thì trị sở đã chuyển đến Nộn Giang bên dòng Nộn Giang, và đến năm 1699, thì chuyển xa hơn về phía nam đến Tề Tề Cáp Nhĩ. Theo các sử gia hiện đại, việc di chuyển này diễn ra sau khi có những cân nhắc nhất định: Nộn Giang và Tề Tề Cáp Nhĩ có kết nối đường thủy thuận tiện (theo Nộn Giang) với nam bộ Mãn Châu. Trong khi đó, khi muốn đi từ nam bộ Mãn Châu đến Ái Hồn (Hắc Hà) thì cần phải theo dòng Tùng Hoa đến điểm hợp lưu giữa nó và Hắc Long Giang rồi lại đi ngược dòng, hoặc phải đi đường bộ qua Tiểu Hưng An lĩnh giữa thung lũng Nộn Giang và thung lũng Hắc Long Giang. Một lợi thế nữa của Tề Tề Cáp Nhĩ là nó nằm ở điểm giao nhau giữa tuyến đường đi đến phía bắc (đến Nộn Giang) và tuyến đường đi đến phía tây (đến Mông Cổ), cho phép các đơn vị quân đồn trú có thể đảm bảo quốc phòng trước cả người Nga và những nhóm người Mông Cổ không chịu thần phục.[6]

Thời kỳ đầu Nhà Thanh, Ninh Cổ Tháp (宁古塔. nay thuộc Mẫu Đơn Giang) thuộc quyền quản hạt của Cát Lâm tướng quân, chủ yếu dùng làm nơi chăn thả gia súc và lưu đày tù nhân, một trong những người nổi tiếng đã bị lưu đày tại đó là Trịnh Chi Long. Năm Thuận Trị thứ 4 (1657), đã xảy ra Đinh Dậu khoa trường án (丁酉科場案), Ngô Triệu Khiên (吴兆骞) cũng bị đày đến Ninh Cổ Tháp. Các trọng thần Nạp Lan Minh Châu (纳兰明珠), Từ Can Học (徐乾学), Từ Nguyên Văn (徐元文) cùng từng bị lưu đày trong 23 năm. Trương Tấn Ngạn (张缙彦) từng nói "Những người bị lưu đày đến có nhiều người là người Ngô, Việt, Mân, Quảng, Tề, Sở, Lương, Tần, Yên, Triệu".[7] Đến thời Khang Hy thì hủy bỏ chế độ lưu đày đến đó, song vào năm Ung Chính thứ 5, Lý Hú (李煦) lại bị lưu đày đến Hắc Long Giang.

Thời Khang Hy, đế quốc Nga nhiều lần xâm nhập vào lãnh thổ Đại Thanh, bị quân Thanh đánh bại trong chiến dịch Nhã Khắc Tát (雅克萨战役), dẫn tới việc ký kết điều ước Ni Bố Sở giữa Nga và triều Thanh, theo đó lấy Ngoại Hưng An lĩnh (Dãy Stanovoy) làm biên giới giữa hai bên. Hoàng đế Khang Hy đã lấy những tù binh chiến tranh Nga không có nguyện vọng hồi quốc để thành lập một đội quân cận vệ.

Sau chiến tranh Nha phiến, người Nga lại tiến hành xâm nhập Mãn Châu, với điều ước Ái Hồn 1858 và điều ước Bắc Kinh 1860, triều đình Thanh đã cắt nhượng vùng đất phía bắc Hắc Long Giang và phía đông Ô Tô Lý Giang rộng trên 1 triệu km² cho đế quốc Nga. Cũng trong khoảng thời gian này, triều đình Nhà Thanh đã mở cửa Mãn Châu cho các di dân người Hán. Sau đó người Hán chủ yếu là từ Trực Lệbán đảo Sơn Đông đã di cư đến vùng Đông Bắc, sự kiện này được gọi là Sấm Quan Đông (闯关东), đến đầu thế kỷ XX thì người Hán đã trở thành dân tộc chiếm đa số tại địa bàn Hắc Long Giang ngày nay. Năm Quang Tự (1907) thứ 33, sau chiến tranh Nga-Nhật, chế độ Hắc Long Giang tướng quân được đổi thành Hắc Long Giang hành tỉnh, tỉnh lị đặt tại thành Tề Tề Cáp Nhĩ, tại Hắc Long Giang hành tỉnh có ba đạo (Ái Hồn binh bị đạo, Hô Luân binh bị đạo, Hưng Đông binh bị đạo), 7 phủ (Hô Lan, Tuy Hóa, Long Giang, Hải Luân, Nộn Giang, Hắc Hà, Lư Tân), 6 thính, 1 châu và 7 huyện. Khu vực thuộc Cát Lâm hành tỉnh song nay thuộc địa bàn tỉnh Hắc Long Giang thuộc 2 đạo, 7 phủ (Song Thành, Tân Châu, Ngũ Thường, Y Lan, Mật Sơn, Lâm Giang, Ninh An), 3 thính, 1 châu và 7 huyện. Đến năm Tuyên Thống thứ 3 (1911), toàn bộ Hắc Long Giang hành tỉnh gồm 7 phủ, 6 thính và 1 châu còn toàn bộ Cát Lâm hành tỉnh có 11 phủ, 1 châu, 5 thính, 18 huyện.[8]

Thời Dân Quốc

Chùa Cực Lạc (极乐寺) tại Cáp Nhĩ Tân được xây dựng từ năm 1921 đến 1924

Năm 1912, triều Thanh diệt vong, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc sau khi thành lập vẫn theo thể chế ba cấp tỉnh, đạo, huyện của Nhà Thanh, với ba đạo Hắc Long Giang, Tuy Lan và Hắc Hà. Về sau, chính phủ tăng thêm Hô Luân đạo, tổng cộng tỉnh Hắc Long Giang có 4 đạo, 21 huyện và 6 thiết trị cục. Bấy giờ, các khu vực nay thuộc tỉnh Hắc Long Giang quản lý mà khi đó thuộc tỉnh Cát Lâm là 2 đạo Tân Giang và Y Lan với 18 huyện. Tính đến năm 1930, tỉnh Hắc Long Giang quản lý 42 huyện, 11 thiết trị cục còn vùng khi đó lệ thuộc tỉnh Cát Lâm có 22 huyện.

Năm 1896, Nhà Thanh và Nga đã ký kết Mật ước Trung-Nga, theo đó Nga được phép xây dựng tuyến đường sắt qua Hắc Long Giang và Cát Lâm để rút ngắn khoảng cách đến Vladivostok. Tuyến đường sắt này hoàn thành vào năm 1903 cùng với một "tuyến nhánh" nối từ Cáp Nhĩ Tân đến cảng Lữ ThuậnBột Hải. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Chính phủ Quốc dân Trung Quốc đã dần dần thu hồi chủ quyền hành chính đối với vùng "đất phụ thuộc" đường sắt Đông Thanh (Trung Đông). Đến năm 1920, thì xác định khu vực này là "Đông tỉnh đặc biệt khu". Đến năm 1922, nhà đương cục ở Đông Bắc đã thiết lập trưởng quan hành chính của "Đông tỉnh đặc biệt khu", quản lý thống nhất các cơ quan quân sự, ngoại giao và tư pháp của khu vực. Tháng 5 năm 1924, chính phủ Bắc Kinh phê chuẩn việc "Đông tỉnh đặc biệt khu" độc lập với hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm. Từ năm 1924, Trung Quốc và Liên Xô cùng quản lý phần phía bắc của tuyến đường sắt này.

Từ năm 1928, Phụng hệ quân phiệt Trương Học Lương ở Đông Bắc đã tuyên bố ly khai chính phủ Bắc Dương, quy phục chính phủ Trung ương Nam Kinh. Đến tháng 7 năm 1929, chính phủ Đông Bắc của Trương Học Lương đã hành động nhằm cắt đứt chi viện của Liên Xô cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, trục xuất các viên chức Liên Xô trên tuyến đường sắt Trung Đông, niêm phong các tổ chức thương nghiệp của Liên Xô tại Cáp Nhĩ Tân, bắt đầu tiến hành thu hồi đường sắt Trung Đông. Ngày 18 tháng 7 cùng năm, chính phủ Liên Xô do Stalin lãnh đạo đã tuyên bố đoạn giao quan hệ với Trung Quốc, lệnh cho quân Liên Xô đóng ở biên giới với Hắc Long Giang và Cát Lâm chuẩn bị can thiệp vũ trang. Ngày 14 tháng 8 năm 1929, Liên Xô ven theo tuyến đường sắt Trung Đông để tấn công Trung Quốc, quân Liên Xô giành được chiến thắng và buộc Trung Quốc phải phục hồi chế độ đồng quản lý tuyến đường sắt này như từ năm 1924.[9] Cùng trong cuộc chiến này, Hồng quân Liên Xô đã chiếm đóng đảo Hắc Hạt Tử trên sông Amur.

Thời Mãn Châu Quốc

Sau sự biến Mãn Châu (1931-1932), Nhật Bản đã hình thành nên chính quyền Mãn Châu quốc do cựu hoàng đế Nhà ThanhPhổ Nghi đứng đầu trên danh nghĩa. Đến năm 1935, Liên Xô chuyển quyền quản lý đường sắt Trung Đông cho Mãn Châu quốc. Mãn Châu quốc sau đó phân lãnh thổ của mình ra thành các khu vực nhỏ hơn, trên địa phận tỉnh Hắc Long Giang ngày nay có 6 tỉnh là Long Giang, Tân Giang, Tam Giang, Hắc Hà, Bắc An, 5 thành phố là Cáp Nhĩ Tân, Tề Tề Cáp Nhĩ, Mẫu Đơn Giang, Giai Mộc Tư, Đông An, 74 huyện và 3 kỳ. Trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng, một lượng lớn gỗ, lương thực, khoáng sản đã được người Nhật chuyển từ Mãn Châu quốc về Nhật Bản

Vào ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản theo một thỏa thuận tại Hội nghị Yalta, và xâm lược Mãn Châu quốc từ Ngoại Mãn Châu. Đúng 0 giờ ngày 9 tháng 8 (giờ Viễn Đông Nga), hoạt động quân sự đầu tiên bắt đầu với 76 máy bay ném bom IL-4 của Phương diện quân Viễn Đông 1 đã thâm nhập không phận Mãn Châu quốc oanh kích các mục tiêu quân sự - hậu cần tại Cáp Nhĩ Tân và Trường Xuân.[10] Từ ngày 19 đến hết ngày 20 tháng 8 năm 1945, hầu hết các đơn vị của Đạo quân Quan Đông đã ra hàng và giao nộp vũ khí cho Quân đội Liên Xô. Toàn bộ quân nhân Nhật Bản ra hàng ở Mãn Châu quốc gồm có 148 tướng, 594.000 sĩ quan và binh sĩ.[11]

Sau Thế Chiến 2

Các đảo tranh chấp (màu đỏ) ở nơi hợp lưu giữa Amur và Ussuri giữa Trung Quốc và Nga trước đây. Theo hiệp định năm 2004, đảo Ngân Long (Тарабаров) và khoảng một nửa đảo Hắc Hạt Tử (Большой Уссурийский) thuộc chủ quyền của Trung Quốc

Trong Nội chiến Trung Quốc, Hắc Long Giang trở thành tỉnh đầu tiên hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng cộng sản Trung Quốc, Cáp Nhĩ Tân là thành phố lớn đầu tiên do họ kiểm soát. Với sự ủng hộ của Liên Xô, Nội Mãn Châu nói chung và tỉnh Hắc Long Giang ngày nay nói riêng trở thành một bàn đạp cho lực lượng cộng sản trong cuộc chiến mà họ giành chiến thắng vào năm 1949. Liên Xô đã trao trả hoàn toàn quyền quản lý đường sắt Trung Đông cho chính phủ Trung Quốc (mà nước này đồng quản lý từ năm 1945) vào năm 1952.

Sau năm 1945, trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang ngày nay trước sau đã xuất hiện 5 tỉnh là Hắc Long Giang, Nộn Giang, Hiệp Giang, Tuy NinhTùng Giang. Đến năm 1949, trên địa phận tỉnh Hắc Long Giang ngày nay còn lại hai tỉnh là Hắc Long Giang và Tùng Giang. Đến năm 1954, tỉnh Tùng Giang bị bãi bỏ, hợp nhất vào tỉnh Hắc Long Giang. Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang mới đặt trụ sở tại Cáp Nhĩ Tân, ranh giới tỉnh về cơ bản vẫn giữa nguyên từ đó đến nay.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, vẫn tồn tại vấn đề biên giới với Liên Xô. Sau sự kiện đảo Trân Bảo trên sông Ussuri, quan hệ hai nước xấu đi một cách nghiêm trọng, quân đội hai bên được triển khai suốt đoạn sông Amur biên giới. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2004, Trung-Nga ký kết thỏa thuận biên giới phần phía đông, theo đó Nga đồng ý trao trả đảo Ngân Long/Tarabarov và khoảng một nửa đảo Hắc Hạt Tử/Bolshoy Ussuriysky cho Trung Quốc. Khoảng 170 km² của đảo Bolshoy Ussuriysky được chuyển cho phía Trung Quốc, phần còn lại vẫn thuộc quyền quản lý của Nga.[12] Trước đó, vào năm 1991 hai bên đã đồng ý rằng đảo Trân Bảo sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.[13] Phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng từ bỏ tuyên bố chủ quyền với Giang Đông lục thập tứ đồn.[14]

Từ năm 1950, Trung Quốc đã tiến hành khai khẩn với quy mô lớn, lập ra các nông trường ở đồng bằng Tam Giang [gọi là Bắc Đại Hoang (北大荒)]. Trong Cách mạng Văn hóa, minh Hô Luân Bối Nhĩ đã được chuyển về thuộc quyền quản lý của tỉnh Hắc Long từ 1969 đến 1979 (trước năm 1949 vùng này thuộc tỉnh Hắc Long Giang cũ).[15] Từ khi Trung Quốc đại lục tiến hành cải cách mở cửa, thương mại giữa tỉnh Hắc Long Giang và Nga đã tăng lên.

Liên quan